CÔNG TY TNHH THỰC PHẨM TÂM MINH

Nhà Sản Xuất Thực Phẩm Xanh Cho Lối Sống Hiện Đại

Phim tài liệu Cowspiracy – Có Nên Ăn Chay Để Bảo Vệ Môi Trường ?

Mình rất phục những người ăn chay trường, đơn giản vì mình…không thể. Trước đây, mình đã gặp nhiều người theo Phật giáo ăn chay trường, ăn chay để giảm cân, thanh tịnh, ăn chay vì thương động vật. Nhưng ăn chay vì môi trường thì mình ít được tiếp xúc, nên cũng không có cái nhìn sâu, cho đến khi xem bộ phim này.

Khái quát về bộ phim

Cowspiracy: The Sustainability Secret ( Tạm dịch :Thuyết âm mưu bò : Bí mật của sự bền vững)

Đạo diễn : Kip Andersen, Keegan Kuhn

Quốc gia : Mỹ

Ra mắt : 26/06/2014  (Avaiable on Netflix)

Thể loại : Phim tài liệu

Toàn bộ nội dung đúng như slogan : Một bộ phim các tổ chức vì môi trường không muốn bạn xem! Quả thực hai đạo diễn đã vô cùng dũng cảm khi thực hiện một bộ phim mà có-vẻ-như đi chống lại tất cả các tổ chức hoạt động vì môi trường mà cả thế giới theo dõi.

Bộ phim xoay quanh 3 vấn đề chính: Những tác động khủng khiếp ngành công nghiệp thực phẩm, nhất là ngành chăn nuôi bò ảnh hưởng đến môi trường; Cách các tổ chức môi trường phớt lờ và phủ nhận những tác động đó; Giải pháp tốt nhất cho chính mỗi người.

Cảm nhận của mình

Hành trình đi tìm câu trả lời cho việc: “Tại sao mọi người cực kỳ thờ ơ với những số liệu thống kê rằng ngành công nghiệp thực phẩm mới chính là nguyên nhân chủ yếu phá hoại môi trường?” rất chi tiết và hợp lý. Đã có những lúc người làm phim muốn bỏ cuộc vì sợ, vì thấy bất lực. Hoàn bộ câu chuyện đằng sau khiến chúng ta phải nghĩ lại, rằng những việc chúng ta đang cố gắng để bảo vệ môi trường, có thực sự có ý nghĩa không, khi vẫn ăn thịt đều đều và “tích cực” như vậy.

Việc cân bằng giữa chăn nuôi một cách “xanh” và cung ứng thịt cho hàng tỉ người trên thế giới là một điều không thể. Cách duy nhất là ăn chay trường. Bộ phim cũng nói đến việc nếu mọi người đều ăn chay trường thì trái đất sẽ phục hồi như thế nào, và đưa ra những dẫn chứng về việc thực ra con người không-cần-ăn thịt.

Rất nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu được phỏng vấn. Có người dám đối diện với vấn đề, có người lảng tránh, có người chối bỏ trách nghiệm, rất nhiều ý kiến đa chiều. Từ đó mình cũng hiểu rõ về “cung cách” hoạt động của những tổ chức vẫn luôn được nghĩ về như “anh hùng của môi trường”. Không thể phủ nhận những thay đổi về nhận thức, hành động mà họ đã góp phần ảnh hưởng tốt, nhưng đến cuối cùng, mục tiêu của họ có rõ ràng không? Tôn chỉ hoạt động của họ là gì ? Tại sao họ không nói về những nguyên nhân chính để có thể thực sự tạo thay đổi?

“Tôi nghĩ vấn đề của các tổ chức là họ không dám nói hớ làm một nhóm người nào đó nổi điên mà sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của họ.

MICHAEL BESANCON, FORMER WHOLE FOODS MARKET EXECUTIVE

Bố cục và cách quay của phim khá dễ hiểu và dễ xem, dẫn dắt người xem một cách nhẹ nhàng và thuyết phục. Không hô hào rằng bạn phải thế này, thế kia, và chỉ đưa ra một phương án tốt nhất, và để mọi người phải tự vấn bản thân mình rằng mình có thật sự cần ăn những thứ đó, làm những điều đó hay không.

Suy nghĩ về việc ăn chay

Có hàng trăm hàng nghìn bài viết về việc ăn chay như thế nào để đủ chất, ăn chay có lợi gì cho sức khoẻ. Vấn đề ở đây là, mục tiêu của bạn là gì và bạn cảm thấy như thế nào về việc đó ?

Mình rất thích đi ăn chay ở chùa, mỗi lần như thế, từ việc nấu, ăn, rửa bát đều khiến mình bình yên vô cùng. Những lần đi khoá tu 5-6 ngày cũng trôi qua rất yên ổn, không hề xuất hiện cảm giác thèm thịt. Nhưng một phần cũng vì cách nấu ở chùa rất đa dạng và có những món “giả thịt”. Mình nghĩ nếu thật sự nghiêm túc với việc ăn chay, nên tự học cách nấu đa dạng các món rau củ và đồ chay, mọi thứ sẽ trở nên hấp dẫn hơn.

Mình luôn muốn thử những món ăn mới, nhất là ở những vùng đất xa lạ. Việc ăn chay trường trở thành một điều rất khó trong hành trình khám phá các nền văn hoá và ẩm thực. Nên mình chưa, và không, nghĩ đến việc ăn chay trường. Nhưng mình nghĩ đến việc ăn chay mỗi tuần một ngày và không đi ăn buffet “bò mỳ không giới hạn” nữa.

Tuy nhiên, ăn chay trong vòng 30 ngày từ lâu đã là một điều năm trong “Bucket list” của mình. Nên nhất định mình sẽ thực hiện một lần, để xem kết quả như thế nào. Liệu mình có thích ứng được với chế độ toàn rau củ như thế không, và sự thèm thịt của mình nhiều đến mức nào.

“Chúng ta sẽ làm được, nhưng chúng ta phải chọn làm điều đó.”

JOHN JEAVONS, TÁC GIẢ CUỐN HOW TO GROW MORE VEGETABLES

Có lẽ chúng ta tiếp nhận thông tin, và học hỏi những điều nên làm, nhưng không nên quá căng thẳng với việc đó. Phong cách sống nói chung và ăn uống nói riêng suy cho cùng là lựa chọn của mỗi người. Một người ăn chay trường không nên coi thường những người ăn thịt rằng họ không có kiến thức và vô trách nhiệm. Cũng như những người ăn thịt không thể đánh giá người ăn chay rằng đang tốn công vô ích hoặc giả tạo từ bi. Mình rất thích một câu là: “Chúng ta cư xử trên những gì ta biết.” Cư xử một cách tử tế với môi trường, với động vật, với bản thân mình và những người khác, là quyết định của chính bạn.

Kết lại, Cowspiracy là một bộ phim tài liệu nhẹ nhàng và bổ ích, nếu bạn là một người quan tâm đến môi trường, hoặc có ý định ăn chay, thì càng nên xem.

Các bạn có thể tham khảo nhiều thông tin hơn về những cuộc điều tra hoặc tham gia thử thách ăn chay trong 30 ngày tại trang web này.

- Hữu Thăng tổng hợp -
Fanpage
Ytb